Bức ảnh "Nụ cười chiến thắng" của phóng viên ảnh chiến trường Đoàn Công Tính là một bức ảnh nổi tiếng, phản ánh sự lạc quan của các chiến sĩ Quân giải phóng trong 81 ngày đêm ác liệt tại thành cổ Quảng Trị năm 1972 và đã đoạt giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm ấy.
Về sau, trên chặng đường đi tìm lại những nhân vật trong các tấm ảnh của mình, phóng viên Đoàn Công Tính gặp được người đã nở "nụ cười chiến thắng". Đó là ông Lê Xuân Chinh, quê ở Thái Bình, hiện sống tại Điện Biên. Câu chuyện dường như đã có một kết thúc có hậu thì thời gian gần đây, có ông Nguyễn Văn Chất, CCB sống tại Bắc Ninh vào Thành cổ Quảng Trị nhận mình là nhân vật trong ảnh.
Ông Nguyễn Văn Chất: “Tôi vô tình nhìn thấy tôi”
Tôi nhớ vào cuối năm 2005, tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, có một CCB chuyện trò với khách tham quan bên bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” được phóng to treo ngay cửa bảo tàng. Ông là Nguyễn Văn Chất, hiện sống ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Hôm đó, ông mặc quân phục, đội mũ Quân giải phóng và chải tóc y chang như người trong ảnh..
Vừa rồi, nhân một chuyến công tác qua Gia Bình, tôi tìm gặp ông Chất. Trên tường nhà ông có treo tấm ảnh “Nụ cười chiến thắng” và phía sau là ảnh ông chụp với một người đàn ông luống tuổi, theo ông thì đó là thầy giáo Hoàng Văn Thông, hiện công tác tại Sở Giáo dục Hưng Yên, cũng là một nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng trên. Ông Chất nói, vào giữa năm 2005, trong một lần ông cùng thân nhân của một liệt sĩ-là đồng đội ông, vào Quảng Trị tìm mộ. Sau khi tìm xong, ông Chất vào thăm Bảo tàng Thành cổ. Và: “Tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy ảnh tôi treo ở gian giữa. Đúng là sau 33 năm tôi gặp lại mình!”.
Ông kể thời điểm mình “có mặt” trong bức ảnh “Nụ cười chiến thắng”: “Vào cuối giờ trưa, khi anh em chúng tôi vừa nấu thịt chó ăn xong, có một nhà báo mang máy ảnh đến xin chụp ảnh. Nhà báo đó còn đi với vài người. Lúc đó, tôi đang bận quần đùi, vì cái quần dài bị ướt còn phơi cạnh hầm. Tôi bảo: “Chụp thì chụp!”. Chú Kéo (tên ngày xưa của ông Hoàng Văn Thông) bảo tôi chả lẽ anh chụp ảnh lại không mặc quần dài? Tôi chạy vội vào... nhà dân mượn một cái quần loe kẻ mặc vào để ngồi chụp. Vì tôi là tiểu đội trưởng nên ngồi gần ống kính nhất”.
Ông còn cho biết thêm, số chiến sĩ trong bức ảnh ấy, về sau chỉ có ông và ông Kéo thoát khỏi đạn bom Thành cổ. Tôi có thắc mắc rằng trong lúc ông Chất đi... mượn quần thì phóng viên Đoàn Công Tính có thể chụp một bức ảnh đó về một ai đó, ví như chụp ông Lê Xuân Chinh chẳng hạn, với sự nhanh nhẹn của ông Tính, thì ông Chất bảo rằng: Cái đó cứ hỏi ông Tính!
Ông đưa ra những lý do để chứng minh Lê Xuân Chinh không phải là người đã có nụ cười trong ảnh. Thứ nhất, “nếu không phải là tôi thì tôi không thể... xúc động khi nhìn tấm ảnh như vậy được!”. Thứ hai Lê Xuân Chinh là chiến sĩ thông tin mà lính thông tin thì không thể ôm khẩu B40 và đằng sau mình là các chiến sĩ được! Thứ ba là: “Lính tôi vẫn còn, địa hình địa vật tôi cũng biết, thủ trưởng tôi vẫn còn và họ sẵn sàng xác nhận đó là tôi chứ không phải Lê Xuân Chinh”.
Đồng đội và thủ trưởng cũ nói gì?
Ông Nguyễn Văn Chất tại Thành cổ Quảng Trị, tháng 11/2005. |
Sau khi gặp ông Chất, tôi đã liên hệ trực tiếp với ông Hoàng Văn Thông, hiện là giáo viên tại Hưng Yên. Trong bức ảnh - thì ông Kéo (Thông) ngồi ngay sau nhân vật chính, trước cửa hầm. Hai ông cùng một tiểu đội thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 808 tham gia đánh vòng trong Thành cổ.
Về thông tin việc chụp ảnh, cả hai ông đều nói rằng, có nhà báo đi qua, vào giờ trưa, vừa ăn thịt chó và cả việc ông Chất... đi mượn quần dài. Nhưng có một chi tiết không trùng là ông Chất khẳng định có thêm một người đi cùng phóng viên để chụp ảnh ngày hôm ấy thì ông Thông lại cho rằng, chỉ mỗi mình phóng viên Đoàn Công Tính. Ông Thông nói rằng, nếu người đằng trước không phải là ông Chất thì người sau đó cũng không phải là ông Thông!
Tôi đã liên lạc với ông Trương Văn Kỳ, hiện đã nghỉ hưu tại Tuyên Quang, là Đại đội trưởng của ông Chất ngày đó.
Ông Kỳ nhớ lại, trước khi vào Thành cổ, ông và ông Chất đã từng kề vai sát cánh bên nhau chiến đấu từ trên rừng.
Hình ảnh ông Chất trong trí nhớ của thủ trưởng cũ là một người ít cười, đen, thấp và gầy, theo tôi điều này có vẻ không giống nhân vật trong ảnh.
Những điểm khác biệt giữa ông Chất và người trong ảnh
Nhìn cái ống quần của người trong ảnh, không là quần ống loe, càng không phải là “loe kẻ” như trí nhớ của ông Chất. Trên gò má của người trong ảnh không mảy may có một nốt ruồi nào nhưng trên gò má của ông Chất hiện nay thì có những hai nốt ruồi... to tướng.
Tôi hỏi ông. “Nếu bác là nhân vật trong ảnh thì hai cái nốt ruồi hiện nay... ở đâu đến?”. Ông bảo rằng, do ông bị tai nạn xây xước mặt mũi và sau khi hồi phục thì mọc đâu ra hai cái nốt đen ấy, không phải nốt ruồi. Nhưng nhìn kỹ, thì nơi gò má ông, chỗ có hai “nốt đen” ấy, da dẻ vẫn trơn tru chứ không xù xì các vết sẹo. Và hai cái “nốt đen” mọc lên... tự nhiên hơn nhiều so với dấu vết của một người bị tai nạn. Không lý gì để khẳng định nó không phải là nốt ruồi và không lý gì để khẳng định, nốt ruồi là do... tự mọc sau mấy chục năm!
Mắt ông Chất và người trong ảnh khác nhau. Mí mắt người trong ảnh là mí mắt con tằm, còn mí mắt ông Chất thì mỏng hơn rất nhiều. Đấy là chưa kể đến hàm răng của ông. Nếu như người trong ảnh răng đều, nhỏ và trắng, có phần hơi... cụp vào thì răng ông Chất không như vậy.
Một yếu tố nữa gần như không giống nhất đó là tai. Tai người trong ảnh nhỏ phần trên, bề ngang hẹp và sống tai thẳng. Còn tai ông Chất, to phần trên, bề ngang rộng và sống tai cong.
Nguyên Vũ - Hoàng Điệp
1 nhận xét:
Rắc rối Nác nhỉ? Khi khói súng tan đi ta có rất nhiều chuyện để bàn?! Csvn là thế, sự dối trá bốc thơm ngộ nhận đã lây đến cả những người chân chất nhất?! Đâu cần phải thế bác nhỉ!
Đăng nhận xét