Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Gặp lại o lái đò qua sông Cam Lộ

Theo suckhoedoisong.vn - 04/05/2009
Buổi chiều kỷ niệm 35 năm giải phóng thị xã Đông Hà, hoà mình vào dòng người đổ ra bờ sông Hiếu thả nến, hoa xuống dòng sông, o Phấn rưng rưng nhận từ tay nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính tập sách ảnh "Khoảnh khắc" của ông trong đó có bức ảnh o Phấn đang chèo đò đưa bộ đội qua sông. Nụ cười hồn hậu trong sáng mà hiên ngang của o lái đò như toả sáng cả khúc sông.
Sông Hiếu - cái gạch nối hai bờ Bắc Nam Cửa Việt. Trên chuyến đò cách đây đã 36 năm, có o du kích mải miết chèo đò đưa dăm bảy anh bộ đội qua sông. Dáng vóc hiên ngang và nụ cười hồn hậu của cô thiếu nữ Quảng Trị mới tuổi đôi tám đã tình cờ lọt vào ống kính của phóng viên chiến trường - nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính và trở thành một bức ảnh ấn tượng với cái tên "Qua sông Cam Lộ".
Cùng với rất nhiều tấm hình lưu giữ những gương mặt, những nụ cười, những máu và nước mắt không thể nào quên tại chiến trường Quảng Trị, "Qua sông Cam Lộ" đã đến với công chúng trong tập sách ảnh Khoảnh khắc của nghệ sĩ Đoàn Công Tính. 
Đúng ba mươi lăm năm sau (tính từ trận chiến lịch sử 81 ngày đêm cảm tử cho thành cổ sống mãi vào năm 1972), vào cái ngày con sông Hiếu ngập tràn hoa và nến để tưởng nhớ, để tri ân những người con đã đổ máu xương, đã hiến cả tuổi xuân cho mảnh đất đau thương nhưng rất đỗi hào hùng này, tác giả đã may mắn gặp lại nguyên mẫu - o du kích năm nào. Run run nhận tập sách từ tay anh phóng viên trẻ măng năm xưa,  bà Hoàng Thị Phấn mới biết, nét đẹp thanh xuân của mình đã tình cờ được lưu giữ vĩnh viễn, trong một khoảnh khắc xuất thần mà bà không hề ngờ tới.

Gặp lại o lái đồ qua sông Cam Lộ
 Cô gái cầm chèo lái phía mũi đò là o Phấn - nhân vật mà nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính “chớp” được cách đây 35 năm.
O du kích ngày ấy
Giữa tháng 4/1972 cũng là thời điểm xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ vừa hoàn toàn giải phóng. Trung đội du kích xã, trong đó có o Phấn nhận nhiệm vụ chở bộ đội qua sông Hiếu để tiếp tục hành quân vào sâu chiến trường phía Nam.
Cùng o du kích tên Thuận, buổi trưa hôm đó, hai cô gái trẻ được lệnh phải gấp rút đưa các chiến sĩ C14 - bộ đội công binh của sư đoàn 308 qua sông để chuẩn bị cho trận đối đầu với hơn bốn chục chiếc xe tăng của trung đoàn thiết giáp nguỵ đang án ngữ phía cầu Lai Phước.
Không nề hà hiểm nguy, trong đầu hai cô gái chỉ có một ý nghĩ duy nhất, làm thế nào đưa các anh qua sông được an toàn. Đò chèo tới giữa sông, mấy anh lính trẻ nói giọng Bắc nghe dễ thương lạ cứ thay nhau kể chuyện tiếu lâm. Tiếng cười sảng khoái vang rộn cả một khúc sông. Tiếng cười lan sang cả hai o du kích đang nhịp nhàng khoan nhặt mái chèo.
Mái tóc đen dày được búi gọn gàng, nước da nâu giòn khoẻ khoắn, nụ cười hồn nhiên, trong sáng đến lạ thường của o Phấn đã khiến chàng phóng viên trẻ, có lẽ ngồi trên chuyến đò đi trước, xúc động. Anh vội vàng bấm máy, và một tấm hình đẹp ra đời.
Chỉ riêng hôm đó, bốn chuyến đò đưa bộ đội qua sông an toàn. Những chàng lính trẻ măng, hồn nhiên vẫy tay chào tạm biệt o ngày ấy, nhiều người vĩnh viễn không trở về. Ngay cả cô du kích tên Thuận, người đứng sau o Phấn trên chuyến đò năm ấy cũng đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương, chỉ sau khoảnh khắc nhiếp ảnh gia bấm máy có mấy ngày. 
O du kích bây giờ
Tôi tìm gặp lại o Phấn - người phụ nữ giờ đã ở tuổi trung niên trong căn nhà nhỏ đơn sơ, bạc phếch màu thời gian, màu mưa nắng nằm khuất trong thôn Ra Lu, xã Hướng Hiệp, huyện Đăkrông, Quảng Trị. Thời gian đã in hằn những vết nhăn trên gương mặt cô du kích trẻ trung ngày nào. Mới đó mà ba mươi sáu năm trời thoáng chốc trôi vèo như bóng câu qua cửa.
Gặp lại o lái đồ qua sông Cam Lộ
Vợ chồng bà Hoàng Thị Phấn xúc động ôn lại quá khứ khi xem cuốn sách ảnh Khoảnh khắc.            Ảnh: S.H
Năm 1973, o Hoàng Thị Phấn được huyện uỷ Cam Lộ điều động từ Trung đội du kích xã Cam Thanh sang công tác tại ngành thương nghiệp huyện. Để rồi hai năm sau đó, cũng lại theo sự phân công của tổ chức, cô gái trẻ một mình đặt chân tới xã Hướng Hiệp, mở cửa hàng phục vụ bà con người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều của cả ba xã Hướng Hiệp - Mò Ó  - Đăkrông.
Khệ nệ tay xách nách mang vượt chặng đường gần bốn chục cây số lên với đồng bào, o suýt khóc khi nhìn ngược nhìn xuôi, nhìn qua nhìn lại cũng chỉ thấy rừng núi hoang vu, dân cư vô cùng thưa thớt, đi bộ mỏi chân mới bắt gặp một nóc nhà.
Rồi những đêm trằn trọc, nước mắt đẫm gối cũng dần qua. Cô gái trẻ đành phải làm quen dần với cuộc sống nơi núi rừng hẻo lánh, nơi vài ba ngày mới có một người khách hiếm hoi bước vào cửa hàng hỏi mua một món đồ.
Khách hàng thường xuyên nhất của o Phấn là đám lính trẻ thuộc Tổng kho đóng quân trong Rừng Ma. Rồi cô nhân viên bán hàng đã bén duyên với một trong số những anh bộ đội ấy. Đám cưới giản đơn nhưng vô cùng ấm cúng giữa cô du kích năm nào với anh Nguyễn Ngọc Quảng - người Đông Tân, Đông Sơn, Thanh Hoá vào năm 1977 những tưởng là một cái kết có hậu cho cuộc đời o.
Dù chiến tranh đã đi qua nhưng bóng ma của nó vẫn còn đang lẩn khuất. Năm năm trời chung sống, mái ấm đơn sơ ấy vẫn vắng thiếu tiếng cười con trẻ.  Trái tim hai vợ chồng o Phấn đều trĩu nặng. Không ai bảo ai, họ đều linh cảm thấy một điều gì đó bất thường.
Phải tỉ tê thuyết phục mãi, o Phấn mới đưa được chồng cùng vào Bệnh viên trung ương Huế khám bệnh. Sau hàng loạt xét nghiệm, những người thầy thuốc nơi đây buồn rầu thông báo kết quả. Vợ chồng o Phấn sẽ vĩnh viễn chẳng thể có con, bởi chất điôxin tàn độc vẫn đang âm thầm tác yêu tác quái trong cơ thể người lính, vốn phải sống nửa năm trời trong khu rừng đã oằn lưng hứng chịu không biết bao lần máy bay rải thứ hoá chất diệt cỏ này.
Nước mắt o lại chảy. Nỗi đau không thể làm mẹ quá lớn khiến o tưởng như chẳng thể gượng dậy.  Cũng may, bên o luôn có những đồng đội từng vào sinh ra tử, luôn có người chồng hết mực yêu thương.
Họ tựa vào nhau để sống tiếp, với những dự định nhận con nuôi hay đưa vài đứa cháu lên sống cùng cho vui cửa vui nhà.
Khi tôi tới nhà, người phụ nữ ấy đang bận rộn với cả một núi những việc không tên. Bà chăm lo đàn lợn, đôn đáo nấu rượu. Bà luôn tay với chậu quần áo, nâng niu, gượng nhẹ khi vắt lên dây tấm áo bộ đội đã sờn vai của ông Quảng. Cuộc sống của đôi vợ chồng chắc chẳng dư giả gì, nhìn "của nả" ít ỏi trong nhà, tôi đoán vậy. Nhưng họ thật sự hạnh phúc, trong cái cách trìu mến nhìn nhau, trong nỗ lực chung tay vì sự hồi sinh của mảnh đất mà họ đã từng chiến đấu hết mình để bảo vệ nó.
"Cuộc đời tôi đã nếm trải cả niềm vui lẫn buồn đau, cay đắng. Nhưng may mắn và cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời mình, tôi được gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, được lưu giữ nụ cười trẻ trung trong những tháng năm hào hùng cùng con sông Hiếu thân thương, cùng đất lửa kiên cường Quảng Trị. Tôi sẽ luôn trân trọng khoảnh khắc vô giá đó" - o lái đò "Qua sông Cam Lộ" tiễn tôi bằng một lời thì thầm tựa như gió thoảng...
Sĩ Hoàng  

Không có nhận xét nào: