Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Một nghề thiêng liêng

Theo An ninh thủ đô - 20/06/2010
(ANTĐ) - Đất nước ta đã trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thấm đẫm máu và nước mắt. Trong cuộc chiến giành độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ đó đã có biết bao nhiêu người con anh dũng ngã xuống để tạo nên thiên anh hùng ca của chiến thắng. Và trong số đó cũng có biết bao nhiêu xương máu của những phóng viên chiến trường lao mình trong lửa đạn để đem lại những bài báo, những thước phim, bức ảnh chiến trường cho cả thế giới biết đến sự tàn khốc của cuộc chiến này. Một trong số đó là NSNA, phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính.
Một nghề thiêng liêng
Tình đồng đội                               Ảnh: Đoàn Công Tính
81 ngày đêm trong mưa bom, bão đạn Thành cổ, những trận đánh khốc liệt tại chiến trường Nam Lào, đường Trường Sơn… cũng không thể cản nổi nhiệt huyết trong trái tim người phóng viên chiến trường năm ấy. Nghe nơi đâu có tiếng súng, biết có trận địa nào là tìm đến, bởi ông luôn tâm niệm, được cầm máy ảnh trong tay, được ghi lại những giây phút, khoảnh khắc trên con đường lịch sử của dân tộc đã là quá đủ. Khi tình nguyện xin ra mặt trận làm phóng viên chiến trường ông đã luôn sẵn sàng đón nhận sự hy sinh. Đoàn Công Tính kể, trong túi áo của ông luôn có một mảnh giấy với dòng chữ: “Nếu chẳng may tôi hy sinh, xin hãy mang số phim ảnh này về giao cho toà soạn Báo Quân đội nhân dân”.
Ông đã có mặt ở những nơi ác liệt nhất, đã từng ở một cứ điểm mà gần 1 tháng không được đánh răng. Ngày ngày anh em phải đổi mạng lấy nước, đi hàng cây số mà khi về chỉ còn lại vài người. Nhưng ông vẫn kiên trì, vững vàng tay máy, sẵn sàng quên mình cho những khoảnh khắc. Nhắc đến ông, người ta nghĩ ngay đến những bức ảnh quý giá giờ đây đã trở thành kho tư liệu lịch sử phong phú giúp cho mỗi người Việt Nam và bạn bè quốc tế hiểu thêm về cuộc đấu tranh gian khổ của quân và dân ta.
Trong làng nhiếp ảnh và nhất là phóng viên ảnh chiến trường, ông đã tự lập hai kỷ lục. Ông là nhà báo duy nhất lọt vào Thành cổ trong cuộc chiến 81 ngày đêm, và có 2 ngày rưỡi để mang tài liệu từ đường 9 Nam Lào ra Hà Nội. Chỉ như vậy thôi đã sáng ngời lên một tấm gương nhà báo dũng cảm, quên mình cho lý tưởng. Trong cuộc đời phóng viên chiến trường của mình, ông đã từng gặp qua biết bao sự hy sinh, và cái chết cũng luôn thường trực ở ngay bên ông. Nhắc về sự hy sinh khi tác nghiệp của những phóng viên chiến trường ngày đó, ông vẫn còn ghi nhớ mãi câu chuyện về sự hy sinh của một phóng viên quay phim của Xưởng phim Quân đội.
Một nghề thiêng liêng
Nụ cười chiến thắng
Lần đó, ông và người phóng viên kia đang tác nghiệp tại trận địa pháo cao xạ ga Vinh, bỗng một quả bom bi toả xuống trên đầu. Trong khoảnh khắc cái chết như đang ở gần nhất, ông nhận ra người phóng viên vừa đứng cạnh ông đã hy sinh do trúng một mảnh bom vào đầu nhưng vẫn đang giữ chặt chiếc máy quay trong lòng. Người phóng viên chiến trường có thể hy sinh cả tính mạng để bảo vệ những bằng chứng lịch sử cho hậu thế. Và chính những sự hy sinh âm thầm nhưng vô cùng cao cả đó đã tiếp thêm lửa nhiệt tình trong ông.
Cho tới ngày hôm nay, khi chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi đứng trước những tấm hình do Đoàn Công Tính chụp, sự xúc động lại tràn về đầy ắp và vẹn nguyên như vẫn còn tươi mới. Giờ đây, ông đang sống với cô con gái thứ hai tại thành phố Hồ Chí Minh , cô con gái đầu giờ đã sang Mỹ định cư. Sau khi nghỉ hưu, ông càng đi nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn. Có năm ông về Quảng Trị đến 2 lần, gặp lại những bạn bè cựu chiến binh ở Thành cổ khi xưa. Ông tâm sự, mỗi lần được trở lại Thành cổ, ôn lại những ngày xưa khói lửa, trong niềm nhớ nhung lại trào lên một cảm xúc hạnh phúc mãnh liệt khôn nguôi. Có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, ông thường đi thăm lại những chiến trường xưa như điểm cao 51, một trong những mắt thần của hàng rào  McNamara, Trường Sa…
Giờ đây, Đoàn Công Tính đã trở về đời thường với niềm hạnh phúc của gia đình với 2 cô con gái. Nhưng ông mãi là tấm gương cho mỗi nhà báo tự soi mình, về sự nhiệt huyết, về cái tâm luôn sẵn sàng đấu tranh để đem lại những thông tin trung thực nhất. Vẫn còn có nhiều nhà báo dũng cảm, dám đấu tranh cho lý tưởng, cho công lý và sự thật. Họ đi đến những nơi khó khăn, những nơi xa xôi của Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 85 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin được dẫn lại một câu nói của NSNA, phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính: “Mỗi người làm báo nên tâm niệm nghề báo là thiêng liêng, là sự cống hiến hết mình”.

Không có nhận xét nào: