Thứ Năm, 11 tháng 12, 2008

Cuộc sống và những khoảnh khắc



Phóng viên ảnh Đoàn Công Tính.
(VietNamNet) - Sau tiếng súng là những con người bình thường với những cuộc sống bình thường, và cho đến bây giờ, mấy chục năm vẫn còn nước mắt và nụ cười của ngày đoàn tụ sau chiến tranh. Trong những cuộc tìm kiếm cứ hàng năm, hàng năm ấy, nhiều người tìm đến ông, cựu phóng viên báo Quân Đội Nhân dân Đoàn Công Tính.
Ông đã sống một thời với những bức ảnh chiến trường nóng hổi mà giá trị, để mong tìm lại chút hi vọng hiếm hoi về hình ảnh con, chồng, cha mình còn có được lưu lại trong những bức ảnh của ông không. Có những cuộc gặp từ những bức ảnh, có những con người dù đã đi vào hư vô nhưng đã được giữ lại trong những bức ảnh có máu, có lửa, của phóng viên ảnh chiến trường Đoàn Công Tính...
- Thưa phóng viên Đoàn Công Tính, ngược thời gian, làm một phóng viên ảnh chấp nhận vào chiến trường với ông ngày đó là một sở thích hay…
- Là một đam mê. Thời trung học, tôi đã mê chụp ảnh. Ngày đó, tôi không hề nghĩ rằng mình cầm máy ảnh để trở thành một lãng tử mà là ước mơ trở thành một phóng viên ảnh. Một ông bạn bán cho tôi chiếc máy cũ, tôi sung sướng lắm. Khi đang học dở lớp 8, chiến tranh, tôi đăng ký nhập ngũ, gia đình và những người thân không cho đi vì tôi là con một nhưng tôi vẫn cứ nằng nặc, ấy là vào năm 1962. Nếm mùi đạn khói, tôi mong muốn được làm một phóng viên ảnh chiến trường, được phản ánh những trận chiến qua những bức ảnh và hình ảnh những người lính trên trận địa. Qua một thời gian cộng tác với báo Quân đội nhân dân về những bức ảnh về cuộc sống xung quanh mà đặc biệt là những bức ảnh về người lính, tôi được nhận vào báo, lại được đi chiến trường ngay. Tôi vào cuộc chiến với chiếc máy ảnh, không bao giờ nghĩ mình chết, cứ thế một mạch.

Nụ cười chiến thắng
- Một phóng viên trẻ với một niềm đam mê chắc chắn là chưa đủ để làm một phóng viên ảnh chiến trường bởi sẽ dễ rơi vào thái cực thích gì chụp nấy. Nhưng nhìn những bức ảnh của ông những ngày chạy đua với chiến tranh, nhiều người hình dung một Đoàn Công Tính không "mới mẻ"như một phóng viên mới vào nghề mà rất già dặn, rất dũng cảm…

-Tôi đi dọc một mạch từ Bắc vào Nam và chặng hành trình thành công của tôi, và cũng khốc liệt nhất của lịch sử là Quảng Trị 81 ngày đêm thành cổ. Ngay từ đầu, tôi quan niệm rằng, mình là một phóng viên ảnh chiến trường, khi mình cầm máy bấm phải hiểu tấm ảnh của mình có phản ánh được cục diện của cuộc chiến hay không. 81 ngày đêm thành cổ, các chiến sĩ ta khi đó khuyên tôi đừng vào thành, mà đâu chỉ có mình tôi, đến con số hàng trăm phóng viên ảnh đang chờ đợi dọc bờ Thạch Hãn, các đồng chí cũng rất lo cho mạng sống của chúng tôi. Một thực tế khi đó là, đứng bên này sông nhìn vào mỗi tối thành cổ bom đạn như là pháo hoa, tiếng nổ như tần số B52, pháo hạm xay mặt đất không một giây yên lặng, thương binh chở ra ùn ùn nhưng các chiến sĩ của ta vẫn kiên quyết cầm cự, sự quyết liệt làm tôi cảm thấy sôi sục, làm sao để vào được thành một cách sớm nhất để có được một số hình ảnh về chiến sự dẫu chỉ là trong khoảnh khắc. Lúc đó tôi thường xuyên theo dõi ra-đi-ô để xem cục diện cuộc chiến như thế nào, thì thông tin về Hội nghị Pa-ri đang có một cuộc tranh cãi là phía ta khẳng định rằng mình đang thắng và đang làm chủ thành cổ làm thế giới ngạc nhiên. Phía địch hoang mang, Mỹ chới với tìm mọi cách bảo rằng như thế là không đúng. Tim tôi sôi lên một ý tưởng rằng mình phải có được những bức ảnh trên tờ Quân đội nhân dân vừa để khẳng định lập trường thế thắng của ta và sự thất bại của địch với toàn thế giới vừa để cổ vũ hậu phương và tôi cũng thấy rằng đây là một dịp thích hợp để một người lính trên mặt trận văn hoá tư tưởng có thể cống hiến cho Tổ Quốc, thế là tôi lao vào thành cổ mặc cho bao can ngăn, quên mất rằng mạng sống của mình không thể là một điều nói trước.

- Nhiều người vẫn cho rằng, sự thành công trong cuộc đời cầm máy của ông là những khoảnh khắc từ chiến trường Quảng Trị mà cụ thể hơn là từ trận địa thành cổ 81 ngày đêm với những nụ cười hồn hậu, bất diệt của những người lính còn mãi cho đến tận bây giờ. Tại sao trong đạn lửa như thế, nhịp độ ác liệt thế mà ông có thể giữ lại được những khoảnh khắc hiếm hoi về sự yêu đời và lạc quan của những người lính như vậy?
-Vì tôi cũng là người rất yêu đời. Ngày vào chiến trường, tôi đâu phải như là một Đoàn Công Tính của bây giờ, trẻ, xông xáo và máu phiêu du cứ ngùn ngụt, cầm máy ảnh xem như cầm súng. Hơn nữa, tôi cũng đã từng xem báo phương Tây về chiến tranh Việt Nam thì đa số là những bức ảnh kêu khóc, gục mặt…nói chung là một viễn cảnh rất tang thương. Đó là sự thật, nhưng không hẳn như thế đâu. Các chiến sĩ của chúng ta yêu đời lắm. Chốc nữa có thể hy sinh nhưng bây giờ vẫn hát, vẫn mang ácmônica ra thổi, vẫn tếu táo rất lạc quan. Hơn nữa, khi vào thành cổ tôi đã soạn sẵn một ý nghĩ, rằng những bức ảnh của tôi phải góp một lời an ủi với những con người từ hậu phương, để họ yên tâm rằng con, em, chồng họ đang vào điểm nóng, gian khổ vẫn gian khổ nhưng vẫn lạc quan, và chiến đấu với họ cũng là một tình yêu cuộc sống, tin vào cuộc sống. Tôi cũng không nghĩ lúc đó những bức ảnh đó có thể còn lại trong lòng độc giả đến bây giờ mà nghĩ rằng đấy là một khoảnh khắc hoà mình của tôi vào chiến trường cùng những người lính.

-
Và có bao giờ ông thầm hỏi, liệu bây giờ những nụ cười của những con người ấy đã bị khúc xạ qua thời gian và cuộc sống và hẳn hôm nay sẽ khác lắm với những khoảnh khắc ông đã từng giữ lại?

-Tôi đã tự dằn vặt mình rất nhiều, nhưng chưa dám trả lời vì tôi chưa gặp lại hết những con người trong những bức ảnh của tôi. Tôi vẫn tin rằng thời gian không làm khác đi sự tự tin yêu đời trong những nụ cười của những con người ấy. Điều làm tôi phải nghĩ là nhiêù người lính sau khi trở về rất khổ, bệnh tật, vết thương, cái ruộng cái rẫy không đủ nuôi con cái ăn học, vì nhiều lý do không được giải quyết chế độ…nên rất tội nghiệp. Thực ra, tôi đã may mắn gặp được nguyên mẫu “Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị”, một cuộc gặp dẫu hơi muộn màng nhưng thật cảm động. Bao nhiêu năm xa cách, tôi cứ ngỡ là người mà tôi đã chụp trên chiến trường đã chết, ngay cả khi về Quảng Trị, người hướng dẫn viên du lịch khi giới thiệu đến bức ảnh người lính đẹp trai với nụ cười sống mãi với tuổi 20 cũng đi kèm với câu: “Thật tiếc, người lính ấy đã hy sinh”. Rồi một người quen phát hiện ra chính đó là người cùng quê, và cho biết rằng hiện anh đã lên Điện Biên làm kinh tế. Hiểu được hoàn cảnh của Lê Xuân Chinh, người lính ấy, tôi không thể cầm lòng được: anh bị thương sau bức ảnh được chụp một ngày phải chuyển ra tuyến sau điều trị, ngày về kẻ gian móc túi và anh mất hết giấy tờ, cuối cùng không được hưởng một chế độ gì. Đây cũng là một cuộc gặp ý nghĩa, sau đó các giấy tờ của anh được xác minh lại, giờ cuộc sống của Chinh cũng tạm ổn. Ở tuổi như tôi, hỉ nộ ái ố đã từng, bể dâu đã trải. Từng là một người lính, thật lòng đến bây giờ, nếu có chút gì để nhớ thì âu cũng là khoảnh khắc xưa thôi, với những con người bỏ lại tất cả danh vọng và tuổi thanh xuân, bỏ lại cuộc đời đi trả nợ đời. Tôi thấy hạnh phúc vì đã góp phần nhỏ bé giữ lại hình ảnh của họ, một chút kỷ niệm trên đường hành quân hay một nụ cười. Nhưng tiếc rằng cái nụ cười của năm nào, nụ cười hồn nhiên, yêu đời và chan chứa sức trẻ của Chinh - “Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị”,qua một cuộc sống vất vả, éo le, nên không thể còn lại được khoảnh khắc như năm xưa nữa…

Trên đường hành quân
- Thời khắc ác liệt như thế, có những đợt trên tờ Quân đội nhân dân, sau 3 ngày ảnh chiến trường thành cổ Quảng Trị của ông đã xuất hiện trên trang nhất của mặt báo. Ngày ấy ông làm thế nào để đạt được tiến độ nhanh như vậy?

- Đến bây giờ tôi vẫn chưa hết cảm giác ngạc nhiên, ngày đó có một cái gì thôi thúc con người ta lắm. Tôi về báo QĐND được mấy ngày là phải vào chiến trường, chưa đủ thời gian để lĩnh hội hết những tác phong làm báo từ thế hệ cha anh, và trong đầu tôi cũng chỉ có ý nghĩ rằng vào thành chụp được ảnh rồi không có nghĩa là xong mà phải làm cách nào để bức ảnh đó về được tòa soạn một cách nhanh nhất. Có lần ngồi trên xe ra Bắc, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần có thể tôi sẽ bị trúng bom nên cứ thế để 20 cuốn phim ra ngoài cùng lời căn dặn: “Nếu tôi hy sinh thì xin chuyển hết số phim này về tòa soạn báo QĐND một cách nhanh nhất”. Hay là đợt những bức ảnh cuối cùng của tôi về chiến trường Quảng Trị, chặng đường ra Bắc của tôi không chỉ có ngồi trên xe mà còn cả bơi bao nhiêu con sông, chạy bộ bao nhiêu chặng đường, mà sông thì bom và thủy lôi, đường thì đạn pháo. Đó là những bức ảnh về trận Tân Lâm, trên căn cứ 241, có một trung đoàn phản chiến của ngụy bỏ súng theo cộng sản, 2 trung tá đầu hàng quân mình, chiều mồng 2 tôi phải vào căn cứ chụp bằng được thì đến mồng 5 tôi đã có mặt ở Hà Nội cùng những bức ảnh của mình. Chặng đường về Hà Nội, gặp xe nào khoát xe đấy, có những điểm xe không qua vừa phải chạy bộ vừa phải bơi sông. Khi bơi qua sông, tất cả phim và máy ảnh được bọc kỹ trong chiếc áo mưa, đựng trong một thùng đại liên tuy hơi nặng nhưng lại an toàn cho số 30 cuốn phim ấy, và trên mặt sông, địch dội hỏa lực rất mạnh. Nhiều người không ngờ tôi có thể ra Hà Nội sớm như vậy, có người ái ngại cho tôi về những rủi ro thời chiến nhưng tôi chấp nhận tất cả. Và sáng mồng 6, những bức ảnh của tôi đã có mặt trên trang nhất tờ QĐND.
- Xin lỗi ông, phóng viên Đoàn Công Tính! Một vài ý kiến cho rằng hình như ông có vẻ yên vị với mảng đề tài chiến tranh nên khi về với thời bình, ông ít có những bức ảnh sống mãi như một thời ông lăn lộn với bom đạn trong chiến trường?

- Tôi cũng xin nói thật cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình đã làm. Ngày xưa trên chiến trường là thế, tôi nghĩ rằng sau chiến tranh tôi sẽ tiếp tục cầm máy cho đến khi tay và mắt mình không cho phép nữa, nhưng do chuyển công tác tôi không thể làm một người phóng viên tiếp tục xách máy theo đuổi một đam mê từ thời trai trẻ. Có một thời tôi đã chót nghĩ rằng không biết bao giờ mình lại trở lại một Đoàn Công Tính không ngại một cản trở gì cầm máy ảnh đi vào cuộc sống giống như cuộc chiến năm xưa…Mà cuộc sống xung quanh mình ngùn ngụt hơi thở mới, ngùn ngụt sự kiện, nhất là về những mảnh đất, những con người hôm nay đang từng bước đi lên thay đổi cuộc đời mình từ những đổi thay chung của đất nước. Họ là ai, là những công nhân, kỹ sư, những nông dân, những cán bộ giỏi…và trên mặt báo dù những bức ảnh này nhiều nhưng để tìm bức ảnh giá trị không phải là dễ. Ngay cả với bản thân tôi, mấy năm trở lại đây nghỉ hưu, lại tiếp tục cầm máy nhưng “trước mắt việc đi mãi, trên đầu già đến rồi” nên cũng khó.

-
Với tư cách là một người cầm máy, ông nghĩ gì khi những bức ảnh của chúng ta hiện nay, quá nhiều ảnh nghệ thuật mà lại rất thiếu những bức ảnh sự kiện, nhất là những bức ảnh về đất nước trên đường đổi mới?

- Thực ra cũng do công chúng vẫn còn tình trạng đánh đồng thuật ngữ nghệ sĩ nhiếp ảnh và phóng viên nhiếp ảnh. Chung đấy nhưng mà rất riêng, tưởng là gần gũi đấy nhưng mà rất xa. Một bức ảnh cũng như một tác phẩm văn học, nó phải phản ánh được cuộc sống này dù cho nó là ảnh báo chí hay là ảnh nghệ thuật cũng thế, tôi không đánh đồng,nhưng luôn quan điểm ảnh báo chí hay nghệ thuật đều phải có tính nghệ thuật. Có thời trên tờ QĐND, một số bức ảnh chiến trường của tôi đã dùng để thay thế những bài xã luận, thì hiện nay, việc đánh giá giá trị bức ảnh trên mặt báo còn nhiều hạn chế. Thứ nhất, việc trình bày ảnh trên báo vẫn còn tình trạng nhỏ to tùy tiện, mang tính minh họa, chưa thể hiện được giá trị sự kiện của bức ảnh. Thứ hai, nhuận ảnh bây giờ vẫn mang tính quân bình nên khó phát huy khả năng sáng tạo của người bấm máy. Thứ ba, những sự kiện quan trọng bây giờ chưa được đầu tư ảnh, chưa có những cuộc thi lớn về phóng sự ảnh, chưa dấy lên cảm hứng sáng tạo ảnh báo chí, trong khi, đội ngũ anh em phóng viên ảnh của chúng ta ngày càng giỏi và được trang bị phương tiện hành nghề cũng khá chu đáo.

-
Nếu có thể gọi ra được, thì theo ông, đức tính cần thiết của một phóng viên ảnh là gì?

- Là dám xông xáo vào cuộc sống, đừng ngại khó ngại khổ, vì những bức ảnh giá trị sẽ không có chỗ cho những người thích đắn đo do dự, tính thiệt so hơn, vì một khi nắng tắt, sẽ khó có ánh sáng cho một bức ảnh chuẩn, một khi sự kiện đã qua thì không bao giờ chụp lại được nữa. Điều kỳ diệu nằm ở chỗ tác giả phải biết phát hiện, nên xông xáo, dấn thân là một chuyện, nhưng nhạy cảm, đặc biệt là nhạy cảm chính trị là những điều mà một phóng viên ảnh cần phải có. Một điều nữa, làm nghề gì cũng phải biết hi sinh, cái danh có thể đến với anh bất cứ lúc nào nếu như anh sống thật với nghề và hy sinh cho nghề, và không bao giờ đến với anh nếu như anh háo hức chạy theo danh.
- Một câu hỏi hơi tế nhị, là một phóng viên ảnh có tiếng, trong suốt quãng đời cầm máy, “cơm áo có đùa với khách ... ảnh” không, thưa ông?

-Tôi chưa bao giờ sống được (theo nghĩa chữ tồn tại) bằng nghề nhiếp ảnh. Ngày xưa có lương, rồi lấy tiền nhuận ảnh cũng đủ tiền cắt tóc, tiền đi lại, ăn sáng. Bây giờ cầm máy đi là chấp nhận thua lỗ. Vừa qua một số ảnh chiến trường của tôi được nước ngoài quan tâm, triển lãm cho tôi mấy chục tấm, nhất là những người yêu hòa bình ở nước Mỹ triển lãm những bức ảnh về cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam mà tôi đã chụp, trả cho tôi được ít tiền sau các cuộc triển lãm. Tôi về lại Quảng Trị mở triển lãm ảnh cũng phải bỏ tiền túi từ đầu đến cuối. Còn tiền đi lại tôi phải dùng đến tiền lương hưu và tiền bán sách và ấn phẩm ảnh, chứ có mua sắm được gì cho mình đâu. Nguyện vọng của tôi bây giờ là được gặp lại những người trong ảnh trên chiến trường năm xưa mà tôi đã chụp họ, không biết ai còn ai mất…

- Đến bây giờ, ở tuổi này, ông có còn đam mê được đi được chụp như xưa nữa không? Và nếu còn đam mê, về phía gia đình, hẳn là sẽ rất ủng hộ một người chồng, người cha “bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi” chứ ạ?

- Mấy chục năm qua tôi là người may mắn vì có được người vợ rất hiểu chồng, rất ủng hộ tôi trong nghề nghiệp và có những hy sinh thầm lặng nên tôi cứ thế tự do bay nhảy và ở tuổi này, tôi vẫn cứ đi đi về về sài Gòn - Hà Nội như cơm bữa. Không đi thì không chịu được, nhất là Hà Nội, với con phố Lý Nam Đế gắn với những vui buồn của tôi một thời sống cùng anh em báo Quân đội nhân dân, với cây cầu Long Biên chiều nào cũng tranh thủ ra ngắm sông Hồng và với bãi tắm hoang sơ ở sông Hồng cho đến bây giờ tôi cùng bạn bè tôi mùa đông cũng như mùa hè chiều nào cũng ra tắm. Vợ tôi là người không bao giờ tính thiệt so hơn về thu nhập của chồng mà chấp nhận tất cả. Còn hai cô con gái, tôi rất hài lòng vì không ai… theo nghiệp của bố. Đi qua chiến tranh, tôi có hai sở thích là thích được thấy cảnh dựng xây và thích những khoảng lặng, thì hai con tôi đã làm được điều đó, vì một đứa theo ngành kiến trúc còn một đứa đang học Piano, ngày ngày vẫn dạo đàn cho bố nghe, những bản tình ca mà thời thanh niên của bố không có cơ hội được thưởng thức.

- Chân thành cám ơn ông!

  • Hoàng Nguyên Vũ (thực hiện)

1 nhận xét:

Unknown nói...

Bác là ngài chiến binh già hạnh phúc!