Thứ Năm, 11 tháng 12, 2008

Nhà nhiếp ảnh chiến trường

Photobucket


Chiến tranh đã lùi xa quá lâu nhưng những vết thương mà nó gây ra chưa đủ để khép lại hết và quên lãng đi những gì thuộc về quá khứ. Phần nổi ấy là những gì đã được ghi chép lại chính xác, chân thực. Nhiếp ảnh đã tạo nên những giá trị không thể phủ nhận.

Nhà báo, nhà nhiếp ảnh chiến trường Đoàn Công Tính đã đi qua không chỉ 81 ngày đêm trong Thành cổ Quảng Trị, chiến trường Nam Lào, đường Trường Sơn… để ghi lại những hình ảnh của những trận đánh góp phần làm nên một chiến thắng 30-4-1975 lịch sử…

* Cuộc đời và những tác phẩm của ông dường như báo chí đã khai thác quá nhiều, nhưng nhân ngày 30-4, tôi lại muốn tìm hiểu những gì còn chưa biết hết, để bắt đầu bằng một câu hỏi, hiện tại ông đang sống như thế nào?
- Bây giờ tôi thảnh thơi hơn, các con tôi đã lớn. Một cô sinh vào đúng lúc tôi chạy dưới bom đạn bấm máy bức ảnh đầu tiên ở Thành cổ Quảng Trị, ngày 20.8.1972. Khi tôi đi vào chiến trường thì vợ tôi mới mang bầu, cô con gái thứ hai sinh ra vào đúng lúc xảy ra chiến tranh biên giới. Cô gái đầu của tôi đã có 2 con và đang định cư ở Texas- Mỹ, cô gái thứ hai có 1 con rồi, và đang sống với vợ chồng tôi.
* Sự thảnh thơi ấy sẽ là động lực như thế nào, để ông muốn được nghỉ ngơi, hay để ông muốn được đi nữa, chụp nữa?
- Tôi đi nhiều hơn chứ. Sau khi nghỉ hưu tôi hoạt động nhiều, tôi về Quảng Trị có năm đến 2 lần, họp với bạn bè ở Thành cổ, đường sá xa xôi và phải tự túc về tài chính nhưng tôi không thể không đi. Mỗi lần gặp lại đồng đội của mình, nhắc nhớ những ngày xưa dường như chưa xa, tôi hạnh phúc. Mới đây thôi tôi vừa đi những điểm cao ở Quảng Trị, điểm cao 51, một trong những mắt thần của hàng rào McNamara, sau giải phóng chẳng ai lên đó. Chúng tôi đã ngủ lại 1 đêm ở đó. Rồi tôi cũng đã đi Trường Sa…
* Ông có chiếc máy ảnh đầu tiên khi nào? Thời chiến tranh, ông bảo quản máy ảnh và phim bằng cách nào? Có một nữ đạo diễn người Bỉ đã làm bộ phim “Gạo rang” nói về việc bảo quản phim của các nhà quay phim chiến tranh VN, ông thì sao?
- Đó là chiếc máy ảnh Gorky của Nga tôi mua 30 đồng năm 1964- tương đương với lương tối thiểu của công nhân khi ấy. Tôi chụp đến năm 1969 thì về báo QĐND và được giao cho chiếc máy Kiev của Nga, rồi Pratica của Đức. Chụp phim chủ yếu là Tesma của Nga và Orwo của Đức. Bây giờ tôi chụp bằng 1 chiếc Canon và 1 chiếc Nikon cũ, 2 chiếc này đều chụp phim. Tôi cũng có 1 chiếc máy kỹ thuật số nhỏ, để chụp chơi thôi. Thời chiến, bảo quản phim khó lắm, trời ẩm, phim thường xuyên bị rít, rất dễ đứt. Tôi có 1 thùng đại liên với các hạt chống ẩm, mỗi khi mở ra lấy phim luôn phải thao tác thật nhanh. Thêm nữa là bằng than, dùng than củi khô bọc vào khăn tay lót xuống phía dưới.
* Giữa thời bình, với tư cách là một nhà nhiếp ảnh, điều gì sẽ làm ông rung động để nâng máy lên?
- Có nhiều lắm, đất nước mình đổi mới, du lịch phát triển, trước đây tôi đâu có điều kiện đi Nha Trang, Đà Lạt hay Sapa. Ngày xưa chỉ có trong mơ, bây giờ ở đâu tôi cũng lần tới được.
* Chụp ảnh ở Trường Sa với những người lính hôm nay với cảm giác thời chiến và những người lính ngày ấy, khác nhau như thế nào, thưa ông?
- Họ có nét giống nhau vì họ hết mình, lạc quan và đáng tin cậy. Người lính trong chiến tranh rất tình cảm, họ đã nâng đỡ tôi rất nhiều trong quá trình chụp ảnh, kể cả để phục vụ cho nhu cầu chụp ảnh của mình mà họ có thể hi sinh. Máy bay rà suốt ngày đêm, đang đi, tôi xúc động quá, kêu anh em dừng lại để chụp ảnh, họ cũng dừng dù rất nguy hiểm bởi đồng không nhà trống, chúng tôi dừng trong lúc những đoàn cán bộ khác đi qua phải cắm đầu chạy. Tôi cũng đã được huân chương chiến công ngay tại trận địa, chụp ảnh mà được huân chương đấy, giống như những người lính khác, họ bắn rơi máy bay hoặc hạ được một chiếc xe tăng.
* 81 ngày đêm ở Quảng Trị, cảm giác giữa cái sống và cái chết của ông như thế nào? Bởi vì bố tôi cũng đã từng chiến đấu trong Thành cổ những năm 1971, 1972. Tôi đọc Nhật ký Cửa Việt của ông, thấy nhiều lần ông tuyệt vọng, muốn ngừng lại tất cả, sợ hãi trước cái chết để muốn quay về…?
- Ngoài sự ác liệt của chiến tranh để người lính có thể sẵn sàng chết thì sự gian khổ cũng là không thể tưởng tượng được. Nó rất khác thời chống Pháp ở chỗ khi trận đánh chưa mở màn thì khó chết lắm. Nhưng ở đây chưa đánh có khi cũng chết, đang đi trên đường cũng chết. B52 chặn đánh từ suốt dọc Vĩnh Linh trở vào. Tôi đã chứng kiến cảnh 1 đoàn cán bộ vào, vừa đặt balo nghỉ bên bờ Bắc sông Bến Hải đã bị B52 xơi ngay, thương vong gần hết. Giống như một sự khủng bố ngay lập tức, ngay từ đầu. Tôi khác những người lính như bố của cô, vì bố của cô cùng đồng đội của ông phải chịu đựng quá nhiều ngày gian khổ, nên đôi khi quá tải. Còn tôi, khi xung phong vào chiến trường tôi cực kỳ phấn khởi, nghe đâu có tiếng súng là tới, nửa đêm biết có trận địa nào là tìm đến. Tôi cầm máy ảnh trong tay, làm nghề mà tôi yêu thích, tôi không đắn đo, vì tôi đã xác định có thể mình sẽ chết, sẽ không bao giờ trở về.
* Một khoảnh khắc nào, ông thấy mình chênh vênh giữa sống và chết?
- Nhiều lắm, ngay ở trận địa pháo cao xạ tại ga Vinh, tôi đứng trên trận địa cùng 1 ông quay phim của Xưởng phim Quân đội, cũng lứa tuổi 30 như tôi, tháng 5.1972. Một quả bom bi ụp trên đầu, tỏa xuống. Tất cả nhanh vô cùng, đều nằm rạp xuống. Còn tôi vẫn lớ ngớ, mải chụp, ông quay phim cũng đang mải quay những hình ảnh máy bay cắt bom. Tôi ngã lăn xuống nằm lẫn vào những người khác, còn ông quay phim ôm chặt máy vì sợ bị hỏng đã dính 1 mảnh bom vào đầu, hi sinh ngay lúc đó. Tôi không bao giờ quên cảm giác này.
* Ngày 30.4.1975 ông ở đâu? Kinh qua những ngày tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông nghĩ gì?
- Tôi cũng như bao nhiêu người khác, hạnh phúc đến tột cùng rằng chiến tranh đã chấm dứt, người dân không phải sợ bom đạn nữa, ước mơ của cả dân tộc đã trở thành hiện thực… Cho đến bây giờ, bao nhiêu năm rồi đi qua dinh Độc Lập vẫn bàng hoàng, khó tin vào sự thật, rằng mình đã thắng Mỹ, đây là đất nước của mình. Nhưng bên cạnh đó là một nỗi buồn. Đây là nỗi buồn lớn nhất của tôi, bởi vì tôi đã không được có mặt ở SG thời điểm đó để ghi vào ống kính của mình những hình ảnh cuối cùng của chiến tranh và những hình ảnh đầu tiên của chiến thắng. Tôi đã là người ham những điểm nóng và có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ ở những điểm nóng. Nhưng sau Hiệp định Paris, tôi phải đi học. Khi ta đánh vào Huế, tôi đã choáng người, đánh vào Huế là khó lắm mà ta thắng, tôi đã chạy về xin lãnh đạo báo cho tôi được vào chiến trường nhưng bị từ chối. Họ đã nói: Không có anh thì có người khác chụp. Đành rằng là thế, nhưng đó là nỗi buồn đến cay đắng của tôi.
* Trong chiến tranh, ông là người ghi lại những khoảnh khắc lịch sử bằng hình ảnh. Sau chiến tranh, ông là chứng nhân để có quá nhiều người từ giới truyền thông tìm cách tái hiện lại lịch sử qua con mắt của ông. Hai cảm giác ấy, như thế nào?
- Tôi nghĩ cảm giác về chiến tranh để lại cho những người lính hay những phóng viên chiến trường như tôi một cách rất trực tiếp. Ấn tượng về chiến tranh để lại trong đầu óc mình những ám ảnh đến mức 10 năm, 15 năm sau nửa đêm tôi còn giật bắn mình khi đang ngủ, lăn từ trên giường xuống đất rồi hô lên: Ối, B52! Lúc vào chiến trường hình như mình không biết sợ, hoặc sợ trong chốc lát rồi mình cũng quên đi, công việc kéo mình đi. Không nghĩ gì đến sống và chết. Có lẽ khác với những người như bố của cô, ở lâu và chiến đấu đến quá tải, mưa dầm, lạnh rét ướt át, đánh nhau xong về ngủ đến 8 ông trong 1 cái hầm nóng bức, muỗi mòng, không thể kể hết được. Cảm giác cuộc sống méo mó hết sức. Tôi đã từng ở 1 cứ điểm mà gần 1 tháng tôi không được đánh răng. Ngày ngày anh em phải đổi mạng lấy nước, đi hàng cây số mà khi về chỉ còn vài người. Tôi là phóng viên, vài ngày 1 tháng có sao, nhưng những người lính, họ ở hàng năm trời, sao mà họ chịu nổi? Tôi đi B ngắn, đi liên tục Thành cổ đến 4 lần vì vào rồi vọt ra ngay để mang tài liệu, mang hình ảnh ra. Lúc đó báo Quân đội Nhân dân như một tờ báo mà cả nước xem để biết tình hình chiến sự ra sao, thời điểm ấy. Tôi có 2 kỷ lục là nhà báo duy nhất lọt vào Thành cổ trong cuộc chiến 81 ngày đêm, và có 2 ngày rưỡi để mang tài liệu từ đường 9 Nam Lào ra HN. Có nhà làm phim Thụy Điển tìm đến tôi, đi cùng tôi đến bên sông Thạch Hãn, họ hỏi tôi làm thế nào để mang tài liệu ra ngoài, tôi nói tôi bơi vượt sông. Ông ta hỏi tôi còn bơi được không? Tôi xuống bơi luôn sang bờ bên kia rồi bơi lại. Ông ta hoảng hồn định gọi thuyền ra cứu, và nói tôi chỉ định nói ông bơi 1 chút để ghi hình thôi, ai ngờ ông có thể bơi đi bơi về thế đâu!
* Những câu chuyện mà ông kể cho tôi hình dung rằng phẩm chất nhà báo trong ông đã mạnh hơn cả nỗi sợ hãi trước cái chết. Vậy ông nhìn những nhà báo bây giờ và nhà báo thời của ông có gì giống, có gì khác?
- Tôi đã không còn là nhà báo nữa, nhưng tôi vẫn thấy có nhiều nhà báo dũng cảm lắm. Họ đi đến những nơi khó khăn, những nơi xa xôi, ra Trường Sa. Hoặc có nhiều nhà báo họ không sợ sự trả thù, không sợ sự phức tạp, và nhà báo hôm nay, họ đông đến mức tôi ngạc nhiên. Cả nước ngày xưa có mấy trăm nhà báo, bây giờ có cả vạn nhà báo, nhưng cũng vẫn rất nhiều người coi nghề báo là thiêng liêng, là sự cống hiến. Có lẽ tôi gặp họ ở điều đó. Ngày xưa là nhà báo đi chiến trường tôi chẳng mong có huy chương vàng, lương trung úy được 75 đồng thì chỉ có thế thôi. Báo khác lấy ảnh đăng trả nhuận ảnh tương đương 1 bát phở. Bây giờ cũng vậy, nhiều báo cũng trả nhuận bút chỉ ngang 1 bát phở thôi. Tôi vẫn tư tưởng bao cấp lắm, nghĩ rằng thôi thì họ đăng cho mình là quý rồi.
* Gần đây nhất, giới truyền thông xôn xao về cuộc gặp mặt và dự định triển lãm chung của nhà nhiếp ảnh Nick Út và ông. Gặp lại đồng nghiệp đã từng ở chiến tuyến bên kia, ông chia sẻ với Nick Út điều gì?
- Ban đầu Nick Út nói với tôi: Tôi cũng vào Thành cổ. Tôi bảo ông ấy, ông chỉ đến được gần Thành cổ thôi, ông không thể vào được Thành cổ. Sau đó tôi không thấy ông ấy nhắc lại chuyện đó nữa. Nick Út là phóng viên cho Hãng Thông tấn nước ngoài, ông ấy có thể đi chụp ảnh bằng máy bay trực thăng, đi vào trận địa chụp chớp nhoáng rồi bay về hậu cứ. Ông ta có nhiều điều kiện để đảm bảo cho sự an toàn hơn tôi. Nhưng không thể phủ nhận, quá nhiều người trên thế giới đã biết đến VN qua những bức ảnh lừng danh của Nick Út.
* Ông có nhớ bao nhiêu báo nước ngoài dùng ảnh của ông không, họ trả cho ông như thế nào và cách làm việc của họ với ông ra sao?
- Tờ The New York Times theo một đoàn làm phim sang VN, họ lấy 1 bức ảnh của tôi về đăng, có phỏng vấn 1 vài câu. Tôi cũng chẳng đặt điều kiện gì hết thì nửa năm sau có người gọi cho tôi nói họ từ Mỹ sang, muốn đến nhà gặp tôi để mang nhuận bút cùng báo biếu của The New York Times. Họ đưa cho tôi 400 USD, với 1 biên lai, 2 tờ báo biếu. Ở HN cũng có nhiều người mang tiền nhuận bút vào cho tôi, họ thường gọi tôi đến lấy. Giống như cô ở quận 1 gọi và tôi đã lên đây để trò chuyện với cô thay vì cô tìm đến nhà tôi. So sánh đùa thôi, để thấy cách làm việc là rất khác nhau. Thậm chí có tờ báo đăng ảnh của tôi ghi nguồn tư liệu. Tôi rất ngạc nhiên, tôi không cần báo biếu, không cần tiền nhưng họ cho rằng ảnh tôi chụp từ đời nào đăng nhiều nơi rồi, thì ghi tư liệu là đúng chứ cần gì ghi tên tôi?
*
Không ít lần trong cuộc trò chuyện của buổi café sáng thứ bảy, Đoàn Công Tính rưng rưng. Ký ức chiến tranh chưa bao giờ phai nhạt trong tâm tưởng người phóng viên chiến trường này, và rưng rưng hạnh phúc khi nhắc đến gia đình, đến 2 cô con gái. Những người đã được lớn lên trong thời bình mà để có được, cha của các cô cũng đã góp phần không nhỏ thông qua những hình ảnh chân thực, nhiều lần giáp mặt với cái chết, ghi lại lịch sử của ông.
Box: Nhà nhiếp ảnh chiến trường Đoàn Công Tính, nguyên là Phóng viên báo Quân đội Nhân dân sinh năm 1943, các tác phẩm được giải: Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu- Giải thưởng lớn, Huy chương Vàng tổ chức quốc tế nhà báo OIJ; Trên đường hành quân- Giải thưởng ACCU, Nhật Bản; Trên đồi không tên- Giải nhất Hội Nhà báoVN… Gần đây nhất, ông được trao giải thưởng ảnh châu Á Xagamihara 2005 cho chùm ảnh “Khoảnh khắc, cũng về chiến tranh VN.

1 nhận xét:

Unknown nói...

Những sản phẩm được sinh ra từ chính sinh mạng của mình. Thế mà họ sử dụng bừa bãi không trả tiền. Học dùng cái gì, nhân danh điều gì? Quyền của phường trộm cắp ư? Buồn quá Bác nhỉ! Nhưng thật may, đời sống không quá hẹp lòng với người may mắn chẳng biết đến sân si là: Bách Đoàn Công Tính!